Hơn 88% sinh viên tìm được việc làm trong khoảng 12 tháng sau khi tốt nghiệp, trong đó, ngành Y dược có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Con số được dẫn từ báo cáo đánh giá tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đơn vị này thực hiện khảo sát tình trạng công việc trong khoảng 12 tháng sau khi ra trường của hơn 1.600 sinh viên đến từ 15 đại học, học viện trên cả nước.
Kết quả cho thấy tỷ lệ tìm được việc làm chiếm 88,3% tổng số người trả lời. Số đang thất nghiệp là 9,1%. Tỷ lệ nhỏ còn lại cho biết chưa có việc làm nhưng không có nhu cầu tìm việc.
Phân tích tình trạng việc làm theo kết quả tốt nghiệp cho thấy tỷ lệ “có việc” tăng dần theo thứ hạng – thứ hạng càng tốt thì khả năng có việc làm càng cao. Nếu như tỷ lệ tìm được việc của người tốt nghiệp loại trung bình chỉ 77,8% thì nhóm xuất sắc lên tới 94,5%. Nhóm khảo sát cho rằng đây là minh chứng cho những nỗ lực rèn luyện, trau dồi của sinh viên trên giảng đường.
Xét theo khối ngành đào tạo, nhóm Y dược chiếm tỷ lệ có việc làm cao nhất, 96,3%, tiếp đến là Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông lâm – Ngư nghiệp (89,6%) và nhóm cuối là Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật (84%).

Tỷ lệ tìm được việc làm sau 12 tháng, theo ngành đào tạo. Biểu đồ trích dẫn từ báo cáo
Báo cáo cũng chỉ ra 93,6% người mới tốt nghiệp chọn làm công ăn lương. 6,4% còn lại tự tạo việc làm, được nhóm nghiên cứu nhận định là con số đáng khích lệ bởi họ không những tạo công việc cho bản thân mà còn làm tăng cơ hội việc làm cho những lao động khác.
Tỷ lệ thay đổi công việc trong khoảng 12 tháng sau khi tốt nghiệp là tương đối cao, khoảng 40,4%. Trong đó, tỷ lệ nhảy việc ở nữ cao hơn nam (44,1% so với 35,6%). Con số này ở người các dân tộc khác và người Kinh lần lượt là 54,9% và 39,6%.
Sinh viên xuất thân từ hộ nghèo/cận nghèo có tỷ lệ thay đổi việc làm cao (51,8%) so với những người không thuộc hộ nghèo (39,7%). Kết quả cho thấy nhóm yếu thế thường sẵn sàng làm các công việc khác nhau và luôn tận dụng các cơ hội để có công việc tốt hơn.
Ngoài các số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu cũng tìm ra những trở ngại khi tìm việc làm. Theo đó, năm khó khăn lớn nhất gồm: thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; thiếu hiểu biết về thị trường lao động; công việc được nhận không trả mức lương đảm bảo.

Khó khăn trong tìm việc của sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm. Biểu đồ trích dẫn từ báo cáo
Bài viết gốc: https://vnexpress.net/hon-96-sinh-vien-y-duoc-co-viec-lam-chiem-ty-le-cao-nhat-4365961.html